Đầu cơ tên miền, mới chỉ là thú vui

0
1531

Mức phí duy trì chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm, bán lại có lúc được hàng tỉ đồng khiến không ít người đầu cơ tên miền.

Kevin Ham, người Hàn Quốc sống tại Canada, nắm trong tay số tên miền có tổng trị giá 300 triệu USD (khoảng 6.000 tỉ đồng). Vào năm 2000, là trưởng khoa nội ở một bệnh viện tại London (Anh), Ham thường truy cập internet và học cách tạo website. Chỉ 6 tháng sau, Ham bỏ nghề y, quay lại Canada kinh doanh tên miền.

Cày xới mỏ vàng
Kinh doanh lĩnh vực này, ý tưởng độc đáo nhất của Ham là thủ thuật đổi hướng. Khi đánh máy để vào một trang web nào đó, người dùng hay gõ nhầm tên. Chẳng hạn, thay vì gõ .com, họ gõ thành .cm. Đây là đuôi của các trang web thuộc Cameroon. Ham sang Cameroon thuyết phục chính quyền nước này áp dụng công nghệ wildcard do Ham phát minh. Khi đánh tên một địa chỉ chưa được đăng ký trong vùng tên miền .cm, người sử dụng sẽ được dẫn tới trang web Agoga.com (thuộc quyền sở hữu của Ham và chuyên chứa các thông tin quảng cáo). Cùng một “chiêu” này, Ham mua luôn các tên miền có đuôi .co (Columbia), .om (Oman), .ne (Niger)…

 

Quan trọng hơn, Ham không mua lại các trang web để chơi mà anh chú trọng phát triển nội dung liên quan đến tên miền và bán quảng cáo trên đó.

Ngoài Ham, còn nhiều người kiếm tiền từ tên miền như Garry Chernoff người Canada, Scott Day người Mỹ… Nhiều tổ chức cũng hốt bạc từ hoạt động này. Công ty đang nắm giữ nhiều tên miền nhất là NameMedia ở Massachusetts (Mỹ) với 725.000 tên miền, Dark Blue Sea Limited (Úc) đứng thứ hai với 550.000 tên miền.

Hiện nay, những tên miền đắt nhất thế giới có giá tới hàng triệu USD. Sex.com được bán với giá 13 triệu USD vào đầu tháng 10.2010, fund.com (9,99 triệu USD), porn.com (9,5 triệu USD), toys.com (5,1 triệu USD)…

Tại Việt Nam, mới đây, Công ty Bkav đã phải chi 2,3 tỉ đồng mua lại tên miền bkav.com từ một người đã đăng ký trước. Tháng 6.2011, Thế Giới Di Động cũng phải mua lại tên miền www.dienmay.com với giá 160 triệu đồng.

Trường hợp tương tự rất có thể sẽ xảy ra với Viettel mặc dù hiện tại đơn vị này chưa có ý định mua lại tên miền www.viettel.com từ người mang tên Nguyễn Duy ở California (Mỹ). Người này đã rao bán viettel.com với giá 1,5 triệu USD (30 tỉ đồng). Viettel đã đầu tư mạng di động ra 5 nước. Rất có thể đơn vị này sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng tên miền quốc tế www.viettel.com và khi đó, cái giá phải trả sẽ không nhỏ.

Trên 90% lỗ
Thực tế cho thấy, đa số những nhà đầu cơ tên miền của Việt Nam đều mới chỉ làm chơi nên tỉ lệ thua lỗ tới trên 90%, một nhà đầu cơ cho hay.

dau-co-ten-mien

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), mỗi ngày có khoảng 35.000 tên miền mới ra đời. Trong đó, hơn 181.000 tên miền có đuôi là vn (.vn) đã được đăng ký. Trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký trên 124.000 tên miền. Có không ít các tên miền được đăng ký ăn theo tên của những đại gia, người nổi tiếng.

Trên trang web http://raobandomain.com, tính đến ngày 12.3, theo khảo sát của người viết, có tới 6.240 tên miền được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 1 USD tới hàng triệu USD. Trong đó, có không ít tên miền là tên những tỉ phú Việt Nam. Tên miền phamnhatvuong.com được hét giá 20.000 USD (ngày 14.6.2011, tên miền này được rao với giá 120.000 USD), trandinhlong.com được chào bán với giá 15.000 USD (ngày 14.6.2011, tên miền này được treo giá tới 100.000 USD). Ngược lại, có những tên miền được rao bán với giá khiêm tốn, như doannguyenduc.com, chỉ 1 USD. Đặc biệt, có tên miền từng được hét giá cả triệu USD như typhudola.com, nay được một người tên Trần Đức Trung rao bán với giá 10.000 USD nhưng vẫn chưa có người mua.

Anh Trần Tuấn Khải, quản trị web raobandomain cho biết, những thương vụ mua bán thành công qua website môi giới này rất hiếm.

“Người ta đăng ký tên miền trùng tên người nổi tiếng rồi rao bán với giá trời ơi thế thôi, chứ thực sự những tên miền đó có đem cho không chưa chắc những đại gia này thèm lấy”, anh Khải nói.

Thực tế cho thấy, thay vì nhắm đến những tên miền có ý nghĩa kinh doanh thực sự, không ít tên miền được rao bán lại nhắm vào yếu tố gây sốc, ăn theo tên tuổi cá nhân, tổ chức nào đó. Trong khi đó, những người đầu cơ lại thiếu sự tính toán để đưa ra những mức giá hợp lý.

Anh Khải cũng từng là nhà đầu cơ, nuôi tới 70 tên miền. Tuy nhiên, qua nhiều năm bỏ tiền duy trì mà không bán được, anh quyết định dừng cuộc chơi. Theo anh, việc đầu cơ tên miền không phải một sớm một chiều là bán được mà có khi kéo dài hàng chục năm và được coi như một canh bạc. Bên cạnh đó, anh lưu ý các nhà đầu cơ làm theo cách của Ham, chú trọng xây dựng nội dung trang web độc đáo để thu hút quảng cáo thay vì chỉ nghĩ những tên miền gây sốc.

Theo luật sư Phan Ngọc Tâm, Văn phòng Luật sư Phước & Partners, việc đăng ký hàng loạt tên miền nhưng không sử dụng là một trong những hành vi đầu cơ và chiếm dụng. “Tôi cho rằng việc cơ quan chức năng xử lý tình huống này là thỏa đáng và đảm bảo được sự công bằng. Tình huống này giống như câu chuyện một người chiếm thật nhiều ruộng đất nhưng không sử dụng, trong khi rất nhiều người lại không có đất để canh tác. Đó chính là bất công xã hội”

Theo NCĐT

bình luận

LEAVE A REPLY